Một buổi tối lang thang trong nhà sách Kim Đồng và mặc dù không thích đọc truyện tranh, tôi vẫn thong thả lượn qua hết tất cả các gian
hàng, bốc đại về một cuốn chuyện thiếu nhi nhiều chữ nhất có thể để rồi bất ngờ
khi bản thân nhiều ngày liền chìm đắm vào “Chuyến phiêu lưu kì thú trong rừng đại
ngàn”.
“- Hè này ba cho con với anh Luân lên Đắk Lắk chơi nghen."
Đó là khởi đầu cho cuộc hành trình lên rừng đại ngàn hùng vĩ
của cậu bé Luân cùng tổ thị sát cầu đường đi đo đạc số liệu để chính quyền xây
dựng đường đi. Suốt chuyến đi là những gì tai nghe mắt thấy qua lời kể của cậu
bé Luân mới mười hai tuổi. Cậu cùng các chú trong tổ thị sát cầu đường băng qua
nhiều rừng già, nghỉ chân ở nhiều nhà dân, cậu thấy núi rừng Tây Nguyên trùng
trùng điệp điệp, cậu gặp gỡ nhiều bạn bè dân tộc tiếng Kinh còn chưa sõi nhưng
vẫn rất niềm nở tiếp đón đoàn thị sát. Bên cạnh đó, cuộc phiêu lưu còn trở nên
vô cùng kịch tính bởi rất nhiều khó khăn và nguy hiểm khi đoàn của cậu cưỡi voi
vượt sông trong cơn lũ, trạm trán với những con gấu hay lũ voi rừng hung dữ, đụng
độ với bọn biệt kích, nhiều ngày đi lạc trong rừng...
Tác giả Nguyễn Đức Linh gieo vào lòng bạn đọc nhỏ niềm thích thú, say sưa về đất rừng Tây Nguyên, về những vùng thiên nhiên mà ở đó chỉ cần thả câu là có vài xiên cá bên đống lửa, vốc đầy một nón rau là có một nồi canh no nê, và còn vô vàn những món ngon đậm hương núi rừng như những nắm cơm vắt nóng dẻo, vạt rượu cần say nồng, thịt lợn rừng nướng thơm phức,…
"Chú Chi hái về hổ lốn một mũ lá tàu bay, lá giang, chân vịt, rồi me chua đất, môn thục thêm vài cuộng rễ cây môn nước, vài nhánh dương xỉ non v.v... Chú ra sông múc một xoong nước đầy tràn...
Xong chú bắc xong nước lên bếp, cứ vậy là đẩy lửa cho cháy phừng phừng. Rồi cũng chẳng cần chờ cho nước sôi, chú tống hết mũ lá vào xoong. Nồi canh suông sôi thêm vài dạo, chú mở nắp ra, gia giảm thêm muối bột ngọt - Thế là được một xoong canh, đặc sệt những rau là rau - Xì xụp một chặp, tôi làm luôn năm chén cơm đầy."
“Chúng tôi vây quanh bếp lửa, nướng củ mì ăn. Loại củ mì một năm, bóc vỏ quấn giấy, vùi vô tro nóng cho chín. Lấy ra rút bỏ tim, tọng mỡ vào, hơ lại than cho vàng, ăn cứ giòn tan trong miệng, thơm phức, có thua gì bánh mì nóng phết bơ đâu.”
“Trong khi tôi bóc bẹ chuối, chú đi quanh quéo, quơ chà chôm chất thành một đống. Chú dốc bị, đổ sáu con cá tràu ra, dùng bẹ chuối cuộn lại, chẳng thèm đánh vẩy, làm ruột gì cả. Xong đâu đó, chú tuồn luôn sáu cuộn bẹ chuối vào đống chà chôm, nổi lửa đốt.
Bạn ạ, đã lần nào bạn ăn cá tràu nướng trong bẹ cuối rừng chưa? Nếu bạn có dịp thưởng thức rồi; thì chắc có lẽ hương vị thơm ngai ngái mà ngọt lịm, sẽ còn đọng lâu trên đầu lưỡi của bạn.”
Giọng văn của tác giả Nguyễn Đức Linh đơn giản, nhẹ nhàng và
đầy màu sắc để những độc giả nhí của cuốn sách có thể dễ đọc, dễ hiểu. Không ít
đoạn trong cuộc phiêu lưu ta bỗng bắt gặp lại những câu văn ngô nghê, những đoạn
văn miêu tả cộp mác tiểu học ngày nào qua giọng kể của cậu bé Luân.
Nhưng ngược lại, đằng sau lối văn mộc mạc đó là những câu
chuyện thú vị về rừng già, về con người Tây Nguyên muôn màu muôn vẻ, khiến bạn
say sưa ngây ngất như ngỡ lạc vào vùng đất thần tiên nào vậy. Cuốn sách còn được
nhà xuất bản Kim Đồng đặc biệt chăm chút nhiều hình ảnh minh họa đan xen vô
cùng bắt mắt để các bạn nhỏ có thể dễ tưởng tượng nhưng vẫn không ít người vẫn
lăn tăn liệu cuốn sách có đúng là chỉ dành cho thiếu nhi hay không bởi những từ ngữ,
tiếng lóng khá xa lạ trong câu chuyện mà ngay cả nhiều người lớn thành thị cũng
phải bỡ ngỡ.
"Những cơn mưa đầu mùa đã kịp dựng lại phong cảnh xanh tươi rực rỡ cho Tây Nguyên. Màu xanh mát dịu bao trùm khắp các sườn đồi. Hoa trinh nữ viền hai dải hoa tím bên lề đường. Hoa quỳ e thẹn lắc lư khoe những cánh vàng tươi xào xạc trong gió mai. Đó đây những cây kơ nia, khoe tán lá non màu tím Huế. Những cây cầy cành khẳng kheo, khoe búp đỏ au, rực rỡ bên sườn đồi.
Con đường đất đỏ hoẻn đưa chúng tôi xuống buôn Trắp ngoằn ngoèo uốn lượn. Qua khỏi “Trại phong” một đoạn, xe vào rừng già. Những cây bằng lăng thẳng tắp mốc thếch, những gốc dầu sần sùi xám xì cành lá xum xuê. Xe chúng tôi như chui vào một đường hầm vòm lá ken dày bao phủ bên trên. Không khí ẩm ướt, se se lạnh. Gió rừng xào xạc, làm cho những hạt sương còn đọng lại trong đêm rơi vào bạt xe kêu lộp bộp.”
“Nói chung thời tiết trên rừng hay lắm cháu à. Có khi trời mưa hết ngày này sang ngày nọ. Mưa thúi đất. Nước ngập song, ngập rừng. Nhưng bỗng một lúc nào đó, có tiếng con mang kêu tu… oác… tu oác… rộn ràng. Rồi sương mù dày đặc từ các khe núi ùn ùn bốc lên; xa xa trông như những dải bông trắng, ôm trùm lấy chân núi. – Chú giơ tay chỉ những dải núi xa xa trước mặt tôi. – Đấy, cháu thấy không, đẹp chưa. Núi đang bơi trong mây đi chơi đấy!... Nói chung mùa mưa ở rừng, khi có hiện tượng này xảy ra, thì chỉ một vài ngày nữa là trời sẽ hết mưa, nắng lên.
Chuyến phiêu lưu kì thú trong rừng đại ngàn
- Nguyễn Đức Linh -
Bạn có nghĩ sẽ một lần nữa chìm đắm vào tuổi thơ với “Chuyến
phiêu lưu kì thú trong rừng đại ngàn” không?
Hoàng Khiết
Sách cho thiếu nhi mà già đầu mình vẫn muốn mua. Tác giả miêu tả cảnh quang thật tươi mát làm mình lập tức muốn bỏ đi phượt xa về những vùng quê một chuyến. Còn miêu tả về đồ ăn thì, khỏi phải bàn. Đói bụng quá !
Trả lờiXóaTks KH.