• Khởi hành
  • Trạm dừng Spirited away (Vùng đất linh hồn )Nào, giờ bạn hãy thử thưởng tượng mình đang đi cùng bố mẹ trên chiếc xe hơi lướt băng băng trong một khu rừng nào đó và bị lạc...
  • Trạm dừng Hồ - Banana YoshimotoTôi có thói quen viết ra những con chữ trong một bản nhạc nghe đi nghe lại, chìm đắm trong bản nhạc ấy, mọi cảm xúc tôi viết ra đọng lại trong đấy...
  • Trạm dừng Phía nam biên giới, phía tây mặt trời - Haruki MurakumiVẫn là tiểu thuyết tình cảm nội tâm và vẫn y xì phong cách của ông - ảm đạm một màu u tối sao á...
Khởi hành1 Trạm dừng Spirited away (Vùng đất linh hồn )2 Trạm dừng Hồ - Banana Yoshimoto3 Trạm dừng Phía nam biên giới, phía tây mặt trời - Haruki Murakumi4
slider by WOWSlider.com v8.7

21 tháng 12 2016

Trạm dừng "Totto-chan bên cửa sổ" - Kuroyanagi Tetsuko


Vừa vào lớp một được vài ngày, Totto-chan đã bị đuổi học!!!

Cái quái gì!

Không, quả thật là như vậy đấy.

Cô bé Totto-chan rốt cuộc đã làm loạn gì trong trường mà lại bị đuổi học?

Bạn tôi à, nếu bạn đang lớn hoặc đã lớn (cái lớn mà đủ để tấp nập với bộn bề bài vở và công việc ấy), và một hôm bạn bỗng không muốn lớn nữa, Totto-chan bên cửa sổ luôn sẵn sàng đón bạn quay trở về cái thời bé tí tuổi đầu đầy ngô nghê và vô ưu.

Mình thì đọc Totto-chan chỉ vì muốn biết cô bé liệu sau này có trở thành Einsten không vì nhà bác học thiên tài cũng đã bị đuổi học khi mới học lớp một được sáu tháng. Và thật tuyệt vời như mình mong đợi, cô bé ấy sau này đã trở thành tác giả của cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ đầy tính giáo dục trở thành sách gối đầu của bao thế hệ trẻ em từ khi phát hành.

Câu chuyện bắt đầu với những lí giải về việc Totto-chan bị đuổi học. Đó đơn giản chỉ vì cô bé không ngoan như các bạn cùng lớp, không giữ im lặng vì hay luôn miệng những câu hỏi ngây ngô mà cô giáo cho là ngớ ngẩn. Cuối cùng mẹ phải chuyển Totto-chan sang học trường Tomoe - một trường hầu hết là trẻ khuyết tật. Trường Tomoe thật là ngộ: lớp học là những toa xe lửa cũ, lớp nào cũng chỉ có khoảng mười bạn, vào tiết học thì các bạn muốn ngồi đâu cũng được, và học môn nào yêu thích trước cũng được. Lần đầu tiên Totto-chan thích trường học đến vậy, và ngoài mẹ ra, Totto-chan thích nhất Thầy Kobayashi hiệu trưởng trường Tomoe vì thầy đối xử với Totto-chan như người lớn vậy, thầy nghiêm túc lắng nghe cô bé, để cô bé chịu trách nhiệm với tất cả hành động của mình, không la rầy, không ngăn cấm.

Càng đọc, bạn sẽ thấy hình ảnh thầy hiệu trưởng Kobayashi trong từng câu chữ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko luôn đầy quí mến và kính trọng. Tác giả dành hẳn những chương cuối cùng để kể về thầy như một món quà đầy nâng niu và cũng là lời xin lỗi của tác giả xen lẫn chút tiếc nuối vì một lời hứa không thành. Đối với tác giả, thầy Kobayashi là một tượng đài giáo dục, một người tận tụy vì học sinh, vì trường Tomoe, không ngừng tìm tòi muôn vàn những phương pháp dạy học tiến bộ nhất. Những tính cách đáng quí ấy của người làm giáo dục càng rõ nét hơn qua lối giáo dục đặc biệt vô cùng của thầy.

Thầy đối với từng học sinh đều là thật quan tâm, lại còn rất tâm lí như cho các bạn bơi mà không mặc gì trên người, luôn nói ba mẹ cho các bạn mặc những bộ quần áo xấu xí nhất đến trường hay chuẩn bị cho các bạn “món của núi và món của biển”,…

Nghe thật là ngộ phải không nào. Nhưng đó lại là những phương pháp giáo dục rất ư hiệu quả. Khi đọc tới những giải thích của thầy cho những việc đó, bạn phải trầm trồ xuýt xoa sao mà lại sâu sắc thế. Để rồi khi lật đến cuối truyện, bất ngờ nhận ra trường Tomoe đó là có thật, những lớp học xe điện kia là thật và thầy giáo Kobayashi đầy tận tâm cũng vậy, ta lại không khỏi tiếc nuối tại sao nền giáo dục phóng khoáng và hiện đại như vậy đến nay lại không còn.

Những năm tháng tiểu học của Totto-chan cũng chính là khoảng thời gian thế giới chuẩn bị bước vào chiến tranh thế giới thứ hai. Lâu lâu cách vài chương chuyện, tác giả Tetsuko lại đan xen những tình tiết về chiến tranh, nỗi lo lắng của ba mẹ khi chiến tranh làm tình hình kinh tế trong nhà thiếu hụt, duy chỉ có những đứa trẻ là vẫn vô tư đến trường khiến bạn đọc đôi lúc lại nơm nớp lo sợ, không khỏi xót xa. Qua đó, tác giả như muốn gửi gắm lời nhắn nhủ về sự trân trọng đối với giáo dục.
Lúc này, nhiều nơi trên thế giới bắt đầu xảy ra những chuyện kinh hoàng. Các bạn nhỏ đang nói với nhau về ruộng rau xinh xắn kia, may thay, vẫn còn được sống trong yên bình.
-Tranh của Iwasaki Chihiro minh họa cho Totto-chan bên cửa sổ-

Chuyện cũng sẽ chưa hẳn thú vị lắm nếu không nhờ cách kể chuyện của tác giả Tetsuko (cũng có thể là cách dịch của dịch giả Trương Thùy Lan) có phần "tưng tửng" và rất đỗi tự nhiên, càng khắc họa rõ thêm tính cách của cô bé Totto-chan. Cộng với những mẩu chuyện ti tí suốt những năm tháng của Totto-chan dưới mái trường Tomoe khiến bạn phải cười té ghế mà thốt lên "Trời ơi sao dễ thương quá!", lúc lại ngừng đôi dòng mà thấm thía những khía cạnh nhân văn của nó.

Một trò chơi trời ơi đất hỡi của Totto-chan mà mỗi lần nhớ lại mình đều bất giác cười ngặt nghẽo đó là trò chui qua hàng rào khi Totto-chan giải thích cho mẹ nghe vì sao váy và quần lót bị rách. Nhưng qua cách kể của cô bé thì mọi chi tiết cứ nháo nhào lên và cả mẹ cũng phải phì cười vì không hiểu nổi. Những câu thoại ngô nghê đậm đặc mùi “trẻ nít” và cách suy nghĩ cũng rất đỗi khôi hài của Totto-chan càng cho thấy tác giả có một tình yêu với trẻ thơ vô bờ bến và hẳn nhiên là có cả một tuổi thơ phải ngô nghê lắm như chỉ mãi sống trong đó mới khiến cho ta như thấy Totto-chan đang phấn khích trước mắt mình.
“Thế thì sao, con thấy chuyện đó hay à?”
“Mẹ thử mà xem? Hay cực kỳ! Nhưng con nghĩ thế nào quần lót của mẹ cũng bị rách thôi!?” 
Làm trẻ con sướng thật, mỗi chuyện nghĩ rằng kể cả người lớn cũng sẽ bị rách quần áo thôi cũng khiến bọn chúng thấy vui. Mẹ nghĩ vậy khi thấy tóc, các đầu ngón tay, thậm chí cả tai của Totto-chan đều lấm lem bùn đất.
-Tranh của Iwasaki Chihiro minh họa cho Totto-chan bên cửa sổ-

Mới tí ti tuổi đầu nhưng Totto-chan hết lần này đến lần khác gây bất ngờ cho mọi người bởi những hành động yêu thương đơn thuần giành cho mọi thứ xung quanh. Totto-chan hay thắc mắc, cũng vì thế mà hay để ý quan tâm mọi người. Cô bé đôi lúc lại rất “người lớn” như khi cố tìm lại cái ví đánh rơi xuống bể phốt, nhiều lúc làm bạn đọc phải ngỡ ngàng vì cái quyết tâm thực mạnh mẽ và lòng kiên trì ấy của một đứa nhóc mới sáu tuổi.  Và Totto-chan còn rất chan hòa khi đối xử với những người bạn khuyết tật như Yasuaki, Takahashi-kun,… hay chứa chan tình yêu thương mãnh liệt với chú chó cưng Rocky.

Những tính cách tốt đẹp ấy của Totto-chan cũng chính là hình ảnh thơ ấu của tác giả. Nhưng không phải đọc tới chương cuối cùng mới thấy điều đó, ngay ở tựa sách đã chính là một minh họa về tuổi thơ của Totto-chan. Mình thật sự cảm động về ý nghĩa của tựa sách mà tác giả đặt. Một chút lập dị xen lẫn sự khác người, tựa sách “Totto-chan bên cửa sổ” mang lại chính là cảm giác cô đơn và lạc lõng.

Totto-chan bên cửa sổ
- Kuroyanagi Tetsuko -

Cuốn sách về đứa bé với tấm lòng nhân hậu và tâm hồn ngây thơ không tì vết ấy trở thành sách gối đầu của nhiều thế hệ trẻ em ngay từ khi xuất bản. Tuy nhiên, ngoài việc truyền đạt cho các bạn nhỏ những cách đối nhân xử thế đáng quí của Totto-chan, mình nghĩ cuốn sách đầy tính nhân văn này thật sự là dành cho người lớn để hoài niệm về một tuổi thơ, để học được cách trân trọng và đối xử chân thành với những mầm non. 

- Hoàng Khiết -

0 nhận xét:

Đăng nhận xét