• Khởi hành
  • Trạm dừng Spirited away (Vùng đất linh hồn )Nào, giờ bạn hãy thử thưởng tượng mình đang đi cùng bố mẹ trên chiếc xe hơi lướt băng băng trong một khu rừng nào đó và bị lạc...
  • Trạm dừng Hồ - Banana YoshimotoTôi có thói quen viết ra những con chữ trong một bản nhạc nghe đi nghe lại, chìm đắm trong bản nhạc ấy, mọi cảm xúc tôi viết ra đọng lại trong đấy...
  • Trạm dừng Phía nam biên giới, phía tây mặt trời - Haruki MurakumiVẫn là tiểu thuyết tình cảm nội tâm và vẫn y xì phong cách của ông - ảm đạm một màu u tối sao á...
Khởi hành1 Trạm dừng Spirited away (Vùng đất linh hồn )2 Trạm dừng Hồ - Banana Yoshimoto3 Trạm dừng Phía nam biên giới, phía tây mặt trời - Haruki Murakumi4
slider by WOWSlider.com v8.7

10 tháng 12 2018

Khởi hành

Chào mừng các bạn đến với Thế giới review 

CON MÈO DẠY HẢI ÂU BAY 


Một khi bước vào trang này đồng nghĩa với việc bạn đang ngồi trên chuyến tàu tốc hành của chúng tôi, dạo quanh Thế giới review. Mỗi trạm dừng là mỗi câu chuyện khác nhau, ở những quốc gia khác nhau và những nhân vật khác nhau.  

Trên chuyến tàu này, chúng ta có đến bốn tài xế: 

Chân Nguyên 

Hoàng Khiết 

Dương Phiêu Linh 

Trịnh Tuệ Mai 

Lựa chọn đi và xuống chuyến tàu nào là tuỳ thuộc vào các bạn. 

Blog này dựng lên không có lợi nhuận, không quảng cáo và vô cùng nghiệp dư nên khi xem mong các bạn đừng đòi hỏi cao nhé! :) 

Có gì thắc mắc và muốn góp ý thì cứ tống hết vào khung bình luận đợi tài xế giải quyết, tránh spam hay lộn xộn nhé! 

Dong dài xong rồi. 

Xuất phát thôi!!!








     


19 tháng 7 2017

Trạm dừng hai tác phẩm một dở một hay của Marc Levy

Chuyện chàng nàng là khởi đầu của tui với Marc Levy. Nghe danh ổng lâu rồi là tác giả nổi tiếng của dòng văn học lãng mạn Pháp. Nhưng mà ta nói phải mất gần ba tháng tui mới ngốn hết cuốn Chuyện chàng nàng

Paul và Alice tình cờ quen nhau qua mạng. Anh là một tiểu thuyết gia không quá xuất sắc đang yêu xa và cô là một diễn viên cực kì nổi tiếng vừa chia tay xong. Hai người quen nhau kiểu muốn "tâm sự với người lạ" nên là đi tới 3/5 cuốn chuyện rồi mà hai người vẫn chưa yêu nhau, tình tiết thì nhạt như nước ốc (gặp hẹn nhau đi chơi rồi lại hẹn nhau đi chơi rồi lại hẹn nhau đi chơi OTL).




Đọc truyện tui chỉ tò mò nhỏ bồ người Hàn Quốc mà nam chính đang yêu xa. Tác giả tạo hình cho cô nàng cực kì bí hiểm. Thêm nữa các tác phẩm "ba xu" của nam chính lại bán đắt vô cùng ở Hàn Quốc. Chuyện bắt đầu kịch tính khi nam chính quyết định tới Hàn Quốc gặp cô người yêu bí ẩn và bắt đầu khám phá ra hàng loạt tình huống ngớ ngẩn xoay quanh các ấn phẩm của mình ở Hàn Quốc. Nên là câu chuyện chỉ đáng đọc mấy chương gần cuối về sau thôi. Thật sự tình tiết càng về cuối càng hấp dẫn, tui cảm động đến muốn khóc luôn khi Marc Levy dần dần hé mở bí ẩn việc các ấn phẩm của nam chính bán đắt như tôm tươi tại Hàn Quốc. Marc Levy đưa vào đó chút chính trị, vài hoàn cảnh đầy bi kịch và một tấm lòng quả cảm đang chiến đấu vì cả một dân tộc khiến người ta tò mò, muốn biết nhiều hơn về những tình tiết phụ đó nhưng Marc Levy vô cùng khéo léo khi lại kéo người đọc quay về chuyện tình yêu "thiếu iot trầm trọng" của nam nữ chính -_-. 


Thật sự, cũng có một cảnh lãng mạn của nam nữ chính khiến tui ấn tượng là nam chính kéo nữ chính né bảo vệ, máy quay giám sát của nhà hát Paris Garnier, len lỏi qua hàng loạt cầu thang, giàn giáo lên sân thượng rạp hát ngắm toàn cảnh Paris trong cơn mưa lất phất. Nhưng mà với tui thì cảnh này nó chưa đủ ép phê sao á, phù hợp là một cảnh phim hơn là đoạn văn.


Nhưng sau khi chuyển sang tác phẩm thứ hai, Một ý niệm khác về hạnh phúc thực sự đã gỡ lại hình tượng Marc Levy trong lòng tui.




Nó kể về Agatha, khi chỉ còn năm năm nữa là mãn hạn tù thì bà lại quyết định vượt ngục. Để làm gì? Dùng khẩu súng chỉ có một viên đạn cướp một chiếc xe rồi bắt Milly - cô nàng chủ nhân chiếc xe - chở bà rong ruổi khắp mọi miền nước Mĩ, gặp lại những người bạn cũ, tìm lại cuốn sổ bằng chứng vô tội của bà. 


Qua chuyến đi phiêu bạt đó, cùng nỗi nơm nớp khi luôn luôn bị viên cảnh sát liên bang truy đuổi, cùng người bạn 
đường bất đắc dĩ Agatha cách mình cả mấy chục tuổi, Milly đã dần dần vứt bỏ vỏ bọc chấp nhận một cuộc sống trầm lặng đến phát chán, dấn thân vào câu chuyện của bà, tìm ra hạnh phúc thật sự với cuộc sống và tình yêu của bản thân.

Suốt hành trình là những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, có những người sống đời lãng tử, giúp đỡ người khác; kẻ lại chấp nhận nghèo đói, cô độc cho cuộc sống tạm bợ,... Dưới con mắt của người phụ nữ bị giam cầm suốt ba mươi năm, khái niệm về hạnh phúc mới thật đáng sống, đáng trân quý.


Nếu mà nói đây là tiểu thuyết lãng mạn thì vừa sai lại vừa đúng. Sai vì rõ ràng câu chuyện này không hề có tình yêu đôi lứa để lãng mạn. Nhưng cứ đọc dần dần, từng chút lại thấy cái lãng mạn qua những câu chuyện Agatha mang lại - một tuổi trẻ nồng nhiệt điên cuồng theo đuổi lí tưởng, những cuộc tình cháy bỏng chóng vánh, sự đan xen giữa ngưỡng mộ và căm ghét người chị gái mình (nhân vật mấu chốt lắm, nên dù chết từ đời 
kiếp nào rồi mà vẫn được Agatha lôi ra kể suốt câu chuyện). Và đương nhiên, tác giả lại dành một chút đoạn cuối cho những bí mật đằng sau cuộc vượt ngục du ngoạn khắp nước Mĩ của Agatha - bà hi sinh ba mươi năm cuộc đời trong ngục tù của mình cho một cuộc đời khác trọn vẹn. Đọc tới khi vỡ lẽ mọi chuyện trời ơi tui cảm động kinh khủng. Cái đoạn hé lộ bí mất ấy, nó không vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng cách mà tác giả đưa nó vào cuộc hành trình bất tận, vào những lời thoại, đoạn văn không màu mè hoa lá hẹ lại làm bật lên những ý niệm khác về hạnh phúc, đúng như tựa truyện, đáng ngẫm nghĩ vô cùng.

Tóm lại là thật sự hay.


Còn về lí do mà tui ghép hai cuốn này lại rồi review luôn thể vì cái chuyện Chuyện chàng nàng mà dành riêng một bài thì nó ngắn quá, và có khi đọc xong review đó mấy người chẳng dám đọc tới review tác phẩm khác của Marc Levy. Cơ mà chắc là do phong độ thất thường nên cuốn hay cuốn dở vậy. Còn thứ hai là về một vài điểm chung ngồ ngộ xuất hiện trong hầu hết tác phẩm của Marc Levy đó là những món đồ luôn có quá khứ, cuộc sống riêng của mình (nghe mà thấy tâm linh nổi gai óc vậy) và hình ảnh những cô bạn gái thể hiện sự giận dữ đáng yêu với nhau bằng cách giẫm lên chân nhau (WTF, chi tiết này không biết tác giả có tự huyễn không chứ tui đã sống mười tám năm đời con gái và chưa thấy đứa con gái nào chơi với nhau vậy cả -_-). 


Ở các tác giả khác tui đã đọc, như Muraki, điểm chung các tác phẩm của ông là nhân vật sống nội tâm, thích nhạc cổ điển và tách biệt với công nghệ; hay ở Musso thì là nhân vật chính luôn bị dòng adrelin làm ngây ngất và ông cũng hay đưa rất nhiều thuật ngữ y học vào tác phẩm. Nhưng Mac Levy lại hoàn toàn khác, hững nhân vật của ông không từa tựa nhau qua các tác phẩm mà thậm chí rất cá tính, khác biệt, như thể ông đã sống qua mấy chục cuộc đời, đưa người đọc qua rất nhiều góc nhìn cuộc đời khác nhau. Và nếu như các tác giả trên chỉ lấy nhân vật chính cùng giới tính với mình thì Marc Levy lại có cả những nữ nhân vật chính, những câu chuyện hoàn toàn xoay quuanh các nhân vật nữ, ví dụ là Một ý niệm khác về hạnh phúc mới review xong.


Cuối cùng là muốn nói Marc Levy viết cực hay, đầy biến hóa, cảm động nhưng mà mấy người mua đọc thì chừa Chuyện chàng nàng ra. Và nhắc lại là Một ý niệm khác về hạnh phúc hay lắm, đáng đọc lắm luôn.



- Hoàng Khiết -

08 tháng 1 2017

Trạm dừng "Phía nam biên giới, phía tây mặt trời" - Haruki Murakumi

Một tác phẩm khác của Haruki Murakami - Phía nam biên giới, phía tây mặt trời - vẫn là tiểu thuyết tình cảm nội tâm và vẫn y xì phong cách của ông - ảm đạm một màu u tối sao á.

Truyện vẫn theo lối tự kể của nam chính. Hajime là con một trong gia đình, hồi anh còn học cấp một, lúc ấy hầu như nhà nào cũng đều có anh chị em, anh cảm thấy lạc lõng. Và rồi anh gặp được Shimamoto-san cũng là con một. Những đồng cảm, sự tương tự giữa cả hai khiến họ trở nên gần gũi nhau hơn. Sau đó là quãng thời gian cấp một đầy êm đềm, ngày ngày anh đến nhà Shimamoto-san chơi, nghe những đĩa nhạc, nói về những nghệ sĩ yêu thích. Shimamoto-san rất đặc biệt, cô có một cái chân bị tật, vì thế cũng đi lại khó khăn hơn, trong thời thơ ấu đó, Hajime ấn tượng với điều đó nhất, nó như một dấu hiệu để anh nhớ và tìm cô sau này.

Rồi khi lên cấp hai, họ không còn học chung nữa, thế là họ dần không còn gặp mặt nhau nữa, không còn liên lạc. Hajime quen Izumi, những rung cảm đầu đời, khoái lạc của độ tuổi vị thành niên thôi thúc họ đến với nhau. Nhưng những lần Izumi lén gặp Hajime trong phòng anh, cô cảm thấy mình luôn không thể chạm đến thế giới của anh, vì vậy cô chưa sẵn sàng, cô chỉ cho anh nhìn ngắm mình, ôm ấp vuốt ve cô, và Hajime yêu Izumi, anh tôn trọng cô, những lúc không thể kìm chế, anh cũng chỉ ôm lấy thân thể trần trụi của cô, lặng lẽ (thật ra thì tới đó rồi mà còn dừng lại, tui thấy rõ ràng là ổng yếu sinh lí).

Cùng lúc đó, chị họ của Izumi, một cô gái trưởng thành, mang một vẻ đẹp gợi dục (mà theo như ổng nói thì nhìn là chỉ muốn lên giường =.=), Hajime bị cuốn hút, anh và cô chưa từng nói với nhau một câu, họ chỉ gặp mặt là ngủ với nhau, lúc nào cũng điên cuồng, và đương nhiên là vụng trộm sau lưng Izumi. Rồi Izumi phát hiện, anh và Izumi chia tay.

Sau đó, Hajime trải qua vài mối tình nữa nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Cuộc sống của anh trải qua nhàm chán và tẻ nhạt, cho đến khi anh gặp Yukiko, họ yêu nhau, lấy nhau, có con. Bố cô giúp anh tạo dựng được sự nghiệp riêng của mình, điều mà anh chưa bao giờ nghĩ đến.



Một hôm Hajime nhận được một tấm thiệp đám tang của chị họ Izumi (tai nạn chết thôi không phải do Izumi ghen quá nên giết đâu nha) do Izumi gửi. Từ hồi cấp hai đến bây giờ khi đã ba mươi mấy tuổi, Izumi vẫn nghĩ anh yêu chị họ cô, nên khi cô ấy mất, cô đã gửi tấm thiệp tang đó cho anh. Khi anh đến dự, anh nhìn thấy Izumi không còn là Izumi ngày trước, tiều tụy và kém sắc hơn, đôi mắt cô thầm oán giận một kẻ lừa dối như anh tại sao bây giờ lại có thể có một cuộc sống tốt đẹp như vậy. Khúc này tui thấy tâm lí rất phù hợp luôn, từ hành động gửi thiệp của Izumi đến những điều Hajime đoán được trong mắt cổ, kiểu không còn yêu nhưng vẫn còn “ghim” chuyện tình đầu sở khanh lừa dối cận huyết, đêm ngày cầu mong thằng đó sống không được yên vậy mà nó vẫn xuất hiện phong độ ngời ngời.

Hôm khác, Hajime thấy một bóng lưng phụ nữ dáng đi khập khiễng vô cùng quen thuộc, anh không bắt chuyện, chỉ cứ đi theo cô ấy qua rất nhiều con phố. Lần khác, vẫn bóng dáng khập khiễng đó, Shimamoto-san bước vào quán bar của anh, họ gặp lại nhau, nhận ra nhau. Những lần gặp gỡ sau cứ dần thôi thúc lại những kỉ niệm, những cảm xúc đầu đời, anh bỗng yêu cô, họ quen nhau, họ ngoại tình. Nhưng khác với những tâm hồn đồng điệu khi còn bé, giờ đây anh thấy mình mãi chẳng chạm được vào thế giới của Shimamoto-san, cô đến với anh, thoắt ẩn thoắt hiện, anh không thể nắm bắt được cô. Anh chợt hiểu cảm giác trước đây tại sao Izumi luôn cảm thấy chưa sẵn sàng khi họ chuẩn bị đến với nhau, Izumi cũng mãi vẫn chỉ đứng ngoài nhìn vào thế giới của anh.




Thế giới của Shimamoto-san lúc này, hoàn toàn không có Hajime, cả khi họ nồng nhiệt trên giường. Anh không hiểu và anh muốn chạm vào nó.
Tôi nhìn thẳng vào mắt nàng. Đôi đồng tử của nàng giống như hai đầm nước yên bình nằm dưới chân một ngọn suối trên núi đang chảy trong bóng những tảng đá, nơi không có một ngọn gió nào có thể len vào. Ở đó không có gì lay động, ở đó ngự trị một sự im lặng tuyệt đối. Nhìn thật sâu vào đó, tôi nghĩ có thể mình sẽ thấy xuất hiện một hình ảnh phản chiếu trên mặt nước.
Tôi làm tình với vợ. Tôi nghĩ mình làm tình với cô nhiều hơn kể từ khi gặp lại Shimamoto-san. Nhưng đó không phải là cảm giác tội lỗi. Khi tôi ôm cô, hoặc khi ở trong vòng tay cô, tôi đang tìm cách bám chặt vào một cái gì đó.
Đương nhiên tác phẩm nào của Haruki Murakami, nội tâm của các nhân vật cũng đều rất phức tạp, đan xen chặt chẽ. Họ luôn luôn có những thế giới riêng không ai có thể chạm đến, đương nhiên chúng cũng có những lối bí mật dẫn đường vào, nhưng vẫn phải luôn đúng người, đúng thời điểm. Hơn thế nữa, những nhục dục, ham muốn thể xác, những cảnh ân ái của họ rất rõ ràng, trần trụi, không che dấu nhưng cũng tinh tế vô cùng. Những nhân vật trong Phía nam biên giới, phía tây mặt trời gặp nhau không đúng thời điểm nhưng vẫn mãi lưu luyến nhau, lưu luyến những cảm xúc ban đầu khi gặp mặt mà không hề biết những thứ đó đều sẽ thay đổi để rồi họ tự làm tổn thương nhau.

Không những thế, Hajime luôn cố tình dựng lên một thế giới riêng của anh, sống trong đó, không cho bất kì ai chạm đến, rất ích kỉ. Hajime dạng như thường đứng núi này, trông núi nọ, không bao giờ chấp nhận thực tại. Khi yêu thì anh lại vô cùng chìm đắm để rồi thường tự đẩy bản thân vào thế tiến thoái lưỡng nan như việc phải đứng giữa tình yêu và tình dục hay tình yêu với gia đình. Không biết tác giả có ý gì, nhưng theo tui hiểu thì cứ như ổng đang tự biện minh, cổ xúy cho việc ngoại tình vậy, đọc mà cứ tức anh ách, nam chính yêu hết nhỏ này đến nhỏ kia cuối cùng vẫn trở về với gia đình tốt đẹp, đâu ra những cô người tình và cô vợ bồ tát như vậy.

Đọc truyện này là phải hàng giờ đồng hồ căng não suy nghĩ: sao ảnh làm như thế này, sao cổ xử sự thế kia,… Các nhân vật này đều sống nội tâm nên hầu như những chi tiết, suy nghĩ và hành sự của họ đều xuất phát từ cảm xúc chủ quan nên khá khó hiểu, mấy kiểu này thì cách cảm nhận, ngẫm nghĩ lúc đọc là hiệu quả nhất để thấu hết những gì tác giả muốn truyền tải.

Mấy bối cảnh trong truyện thì rất là Haruki Murakami luôn. Không điện thoại, không máy tính, các nhân vật vẫn thích nghe những đĩa than, những chất nhạc cổ điển, hay những lá thư tay, những cuốn tạp chí vẫn thường xuất hiện thay thế những đồ điện tử, câu chuyện như tách biệt hẳn với thế giới công nghệ tấp nập ồn ào bên ngoài, tạo nên một nét nội tâm từ ngay trong bối cảnh. Đặc biệt, bài hát South of the Border chạy trên chiếc đĩa than không chỉ là một vật vô tri vô giác gợi lên những thế giới cá nhân, nó còn là một ẩn dụ hoàn hảo và khéo léo cho tính cách của Hajime và mối tình của anh với Shimamoto-san.
-          Em biết không, hồi nhỏ, anh thường xuyên tự hỏi ở phía nam biên giới có thể có gì, tôi nói.
-          Em cũng thế. Lớn lên, khi đã hiểu được lời bằng tiếng Anh, em rất thất vọng vì nó chỉ là một bài hát về nước Mexico. Em nghĩ ở phía nam biên giới phải có cái gì đó tuyệt diệu hơn thế nhiều.

Phía nam biên giới, phía tây mặt trời
- Haruki Murakumi -

Tui chưa đọc nhiều tác phẩm của Haruki Murakami, nhưng mà có lẽ hầu như tuýp nhân vật qua các tiểu thuyết của ông đều hao hao giống nhau, một cuộc đời thành đạt, một vẻ ngoài phong độ, một khuyết khiếm cứ dần dần ăn thêm vào trong tâm trí. Nếu bạn muốn đổi gió để tận hưởng chút lắng đọng, hay đã nhàm tai với thể loại tình yêu lọ lem-hoàng tử hay loại nam chính hoàn mĩ, thủy chung, Phía nam biên giới, phía tây mặt trời sẽ không làm bạn thất vọng (tui là không thất vọng rồi đó bởi đọc xong tui ghét nam chính ghê gớm). Bạn sẽ phải xót xa cho những mối tình không đến từ hai phía, đau cùng những dằn xé của các nhân vật chơi vơi giữa thế giới tình cảm của họ, và mông lung giữa vô vàn thực thực ảo ảo suy nghĩ mà chỉ có lối viết độc đáo của Haruki Murakami mang lại.

- Hoàng Khiết -

07 tháng 1 2017

Trạm dừng "Black Swan" (2010)

Tui thì không xem nhiều phim và cũng không thật sự yêu thích thể loại nào, những các bạn yên tâm là tác phẩm tâm lí kinh dị dưới đây đủ sức cân cả hai ngày cuối tuần rãnh rỗi của bạn.

Bạn có biết nghe nói các đoàn múa ba lê thường luôn có những vở ruột như Hồ thiên nga không?

Black Swan lấy bối cảnh tại một đoàn múa ba lê nổi tiếng bậc nhất New York. Phim bắt đầu với việc một nữ vũ công thủ vai thiên nga trắng đã hết thời và giải nghệ, anh bầu của nhà hát này quyết định tuyển chọn vũ công khác thay thế. Và anh ta cũng đổi mới hoàn toàn vở diễn với việc vũ công chính phải kiêm một lúc cả hai vai là thiên nga trắng và thiên nga đen – chị em song sinh và là kẻ cướp đi tình yêu của thiên nga trắng.


- Trailer phim Black Swan -

Nina rất thích hợp cho vai thiên nga trắng bởi kĩ thuật múa điêu luyện, vẻ trong trắng và thuần khiết của thiếu nữ. Nhưng cô lại không có vẻ đẹp hoang dại, lôi cuốn, mị hoặc của thiên nga đen, bởi ẻm thuần là người cực trong sáng. Cùng lúc đó, Lily – một vũ công đến từ LA lại có lối sống phóng khoáng (dạng hay ăn chơi, cặp bồ, yêu đương tá lả á) thì lại vô cùng phù hợp với vai thiên nga đen. Nhưng cuối cùng anh bầu lại quyết định chọn Nina (sau một màn ẻm gặp riêng anh bầu xin xỏ, quyến rũ kiểu gái mới lớn =.=).

Lúc này phim đi vào mấy đoạn gay cấn vì Nina vừa phải tập luyện cho vai thiên nga đen, vừa nơm nớp lo Lily cướp vai, vừa bị bà vũ công hết thời đầu phim á hù dọa là rồi Nina cũng sẽ bị vứt bỏ sau khi anh bầu chơi chán cô thôi giống như bả vậy. Nina lúc này hay bắt gặp một người hoàn toàn giống mình, hay bị chảy máu ở các khóe móng tay, sau lưng còn có 2 mảng cào xước lúc nào cũng rỉ  máu đỏ lên, lâu lâu còn rút từ người mình ra được cái lông vũ; coi mà dựng tóc gáy, khiến tui cứ đập bàn gào thét chờ bả lòi móng vuốt, mọc cánh sau lưng, thành thiên nga đen (đây cũng là những cảnh quay vô cùng đắt dẫn dắt cảm xúc của người xem từ chờ đợi, hồi hộp cho tới kinh dị, hoang mang). 
Và trong lúc này, để tìm cảm xúc cho vai thiên nga đen, Nina phải tập sống ăn chơi, phải thoát khỏi vòng tay của mẹ (bà mẹ này quản Nina như chăm trẻ mẫu giáo vậy :3), và đặc biệt cô phải tập có những khoái cảm đầu đời, ham muốn thể xác, dục vọng, mà chủ yếu là do anh bầu vuốt ve, kích thích, dụ dỗ con gái nhà lành .
Diễn xuất trong phim thì không chê một ai được, ai cũng diễn rất đạt, không hề lọt chọt người nào ngơ ngơ trong ống hình. Nữ thứ Mila Cunis vai Lily hoàn toàn bộc lộ được vẻ ăn chơi, lanh đời của một cô gái LA. Nam chính Vincent Cassel nhìn vào là ra ngay vẻ thâm trầm, khôn khéo của một ông bầu đích thực, hành động lúc nhu lúc cương, luôn biết cách kích thích các vũ công của mình đạt tới giới hạn cảm xúc mà hóa thân vào vai diễn. Còn nữ chính Natalie Portman thì thôi, không thể chê được, mấy đoạn diễn tâm lý lúc sợ hãi, áp lực, lúc gặp mấy chuyện kinh dị là cứ khiến cho tui cứ lạnh cả sống lưng; khi non nớt ngờ nghệch thì nhìn cái là ra ngay kiểu cô gái mới lớn chưa từng trải; hay lúc Nina nửa mê nửa tỉnh hóa thân vào thiên nga trắng rồi thiên nga đen rất cuồng dại lại tràn đầy sức sống, cảnh phim cao trào đó như thu hết tầm mắt của mọi người xem, khúc đó tui tua lại xem nhiều nhất luôn á, trời đất như quay mòng mòng sau mỗi lần xoay mình của thiên nga. Đặc biệt, khi nhận kịch bản, nữ chính cũng đã dành hẳn một năm học múa ba lê nên mấy cảnh múa trong phim hoàn toàn là do cô ấy cân hết. Sau bộ phim cô cũng đoạt hàng loạt giải thưởng từ Oscar đến Quả cầu vàng,… cho hạng mục nữ diễn viên chính xuất nhất.
Suốt phim là màn đấu não vô cùng căng thẳng giữa tui với mấy góc máy kinh dị đầy hãi hùng nhưng truyền tải nhiều ý nghĩa về sự trưởng thành của thiên nga đen. Phải nói là phim rất lôi cuốn (từ nội dung đến mấy cảnh quay múa ba lê và kinh dị) nhưng mà khó hiểu kinh khủng. Kiểu như Nina chỉ là gặp những ảo ảnh do áp lực, nhưng cũng thật ra là ẻm thật sự giương lông vỗ cánh thành thiên nga đen vậy. Và khi tui đang hí hửng vì cuối cùng cũng thông được gần hết phim thì cảnh cuối cùng lại khiến tui hoang mang vô độ, có thể đó là cái chết đầy đau đớn và hoàn toàn của thiên nga trắng nhưng có lẽ vẫn còn ẩn ý khác mà khi tắt màn hình rồi chắc chắn bạn cũng sẽ còn lấn cấn như tui.

- Poster chính thức -

Chắc chắn Black Swan sẽ vô cùng phù hợp với mấy bạn thích thể loại phim căng não, hay mấy bạn rất ghiền nhưng cũng rất sợ thể loại kinh dị (vì cảnh mấy cảnh kinh dị phim này rất ít, nhưng rất chất lượng, hầu như đều gợi mở, và là nút thắt các tình tiết trong phim). Bên cạnh đó, những góc quay nghệ thuật tinh tế, nội dung sâu sắc lại làm mãn nhãn hầu hết mọi người xem.


- Hoàng Khiết -

03 tháng 1 2017

Trạm dừng "Vẫn cứ thích em" (2015)


Quốc gia: Trung Quốc
Sản xuất: 2015
Phân vai:
Trần Kiều Ân vai Tiền Bảo Bảo
Giả Nãi Lượng vai Hạng Hạo
Huỳnh Tông Trạch vai Thẩm Văn Đào
Trịnh Sảng vai Tiêu Hàm
Trương Vân Long vai Cố Tiểu Bạch
Lưu Điềm Nhữ vai Thẩm Văn Vũ
Cao Vỹ Quang vai Đỗ Phong
Lý Tử Phong vai Cao Mỹ Nhân

Tình cờ thấy được bộ phim này trên mạng. Ban đầu mình cũng chẳng chú ý nhiều đâu, nhưng khi lướt qua hai chữ “Đồng Hoa”, mắt mình sáng lên như vừa thấy được vàng. Đồng Hoa – tác giả của hàng loạt cuốn tiểu thuyết mà mình yêu thích, nay lại bắt gặp chị làm biên kịch cho bộ phim này. Thế là không chần chừ gì nữa, mình quyết định xem ngay lặp tức.
Ấn tượng đầu về phim đó chính là dàn soái ca đẹp lộng lẫy với thân hình chuẩn không cần chỉnh.

Bộ phim mở đầu khá hài hước. Nội dung về cô nàng lưu lạc trong chốn giang hồ Tiền Bảo Bảo vì muốn chữa bệnh miễn phí cho mẹ nên giả danh giáo quan trong trường quân đội. Cô trải qua nhiều tình huống dở khóc dở cười cùng 2 chàng trai quân nhân Hạng Hạo và Thẩm Văn Đào, vượt qua được biết bao thử thách mà tên hiệu trưởng Hán gian đưa ra vì nghi ngờ mình. Cuối cùng cô nhận ra tình cảm của mình đối với Hạng Hạo.

Ban đầu phim khá ổn, nhưng càng lúc nội dung càng nhàm chán, những tình huống hài trong phim ngày càng quá lố. Dần dần, nhân vật mình ghét nhất phim chính là nam chính Hạng Hạo (Giả Nãi Lượng). Cách diễn lố lăng và điên khùng của anh chàng này khiến mình muốn đập nát ngay cái tivi trước mặt. Nhiều bạn thấy nhân vật này hài hước, thông minh, lém lỉnh. Nhưng đối với mình hắn chỉ là một tên hề tưng tửng đang làm lố, tính khí trẻ con và cực kì không nghiêm túc (mặc dù bối cảnh là đang trong trường quân đội). Những hành động nhảy nhót, múa may quay cuồng một cách vô tư của Hạng Hạo làm mình chỉ muốn tát vào mặt diễn viên và đạo diễn một cái.



 Bỏ qua những đoạn nhảm nhí, những nhân vật làm lố trong phim, cái kết của “Vẫn cứ thích em” lại khiến mình đau lòng hết sức. Việc Thẩm Văn Đào hy sinh oanh liệt, dũng cảm đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của các fangirl. Tiền Bảo Bảo thì mất trí nhớ, quên đi mối tình của mình và Hạng Hạo.  
Nói chung, xét về nội dung thì phim cũng chỉ thuộc dạng thường thường, không bằng những tác phẩm trước đây của Đồng Hoa. Nếu bạn muốn tìm một phim mì ăn liền để giải trí thì nó khá phù hợp với bạn, còn những bạn đòi hỏi sâu xa hơn thì mình nghĩ nên tránh xa tác phẩm “thần tượng” này.

25 tháng 12 2016

Trạm dừng "Kẻ nói dối và người tình" (2013) (The liar and his lover)

CHÚ Ý ÂM LƯỢNG!!!


The liar and his lover

Kẻ nói dối và người tình

Quốc gia: Nhật Bản.
Thể loại: Tình cảm.



~ Tôi đã yêu ngay trong khoảnh khắc ấy


Em chính là…


Chắc đang cười nhạo tôi?


Tại sao?


Sao lại gặp gỡ nhau?~ 

Cô có tin vào tình yêu sét đánh không?
Tôi tin!

Một cuộc hội thoại kì lạ…


Ngay từ những phút đầu gặp gỡ, cô nàng đầu nấm Koeda Riko đã đem lòng thương mến với Ogasawara Shinya - một người lạ mặt. Không, chính xác hơn, Koeda đã trúng tiếng sét ái tình, không phải với chàng trai nọ mà là với bài hát anh ta hát thầm bên bờ sông.

Những giai điệu tuyệt vời ấy lấp lánh trong tim cô như mặt sông óng ánh trong buổi chiều hoàng hôn tuyệt đẹp ấy.


Rất nhanh sau đó, họ đã quen nhau.


Koeda Riko (Sakurako Ohara)


Koeda là một người yêu ca hát còn Ogasawa lại bảo rằng anh sợ con gái hát (nghe là thấy xạo rồi (-_-)). Anh không có nghề ngỗng và mỗi lần hẹn hò chỉ mặc mỗi một bộ đồ. Mặc dù là vậy, có điều gì đó ở Ogasawara, ở chàng trai lúc nào cũng xuất hiện trước mặt cô một cách nhem nhuốc với bộ dạng ất ơ, cái đầu mấy ngày chưa gội ấy lại khiến Koeda yêu say đắm. (không hiểu sao luôn @@ )

Tình yêu khiến cô mù quáng cho đến một ngày, cô phát hiện Ogasawara là một kẻ dối trá. Tên của anh không phải Shinya mà là Aki. Anh có nghề nghiệp, lương cao và có bạn gái là một nữ ca sĩ nổi tiếng. Và trái tim Koeda như vụn vỡ khi cô phát hiện bài hát mà anh hát thầm bên bờ sông hôm ấy, bài hát đã đưa Koeda và Osagawara đến gần nhau lại chính là bài hát anh sáng tác riêng cho cô người yêu nổi tiếng của mình.


Thế nhưng thực tế, cô không hề biết rằng, Ogasawara nói dối để bảo vệ cô không trở thành tầm ngắm của công ty giải trí anh đang làm việc.

Ogasawara Aki (Takeru Sato)




Ngay từ những phút đầu phim, Ogasawara  đã xuất hiện với bộ mặt buồn chán. Dù là một nhạc sĩ nổi tiếng chuyên sáng tác nhạc cho nhóm CRUDE PLAY nhưng không lúc nào anh cảm thấy vui vẻ cho đến khi gặp được Koeda. Cô đã đến bên anh trong lúc anh tuyệt vọng nhất và nụ cười của cô như kéo tâm hồn Aki ra khỏi đáy sâu vực thẳm.

Khi ấy tôi đã liên tục giận dỗi… Chỉ biết đau khổ. Muốn dựa vào một cái gì đó. Vì vậy mà thật sự, nói chuyện với cô ấy chỉ là vô tình.

Có lẽ, lúc bắt đầu quen Koeda, Ogasawara không hề suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ giữa hai người. Tất cả chỉ là tình cờ, tình cờ gặp gỡ, tình cờ có một cô bạn gái xinh xắn với quả đầu nấm đáng yêu. Và cũng là lần đầu tiên, Ogasawara lại muốn trân trọng một người con gái.


Em sẽ bảo vệ anh.


Chính câu nói ấy của Koeda, vòng tay ấm áp ôm lấy anh trong giây phút tuyệt vọng đã thôi thúc trái tim Ogasawara đập loạn nhịp, thôi thúc anh trân trọng người con gái ấy. 

Tôi nghĩ mình đã "chết" rồi.
Tôi nghĩ mình thích rồi.


Bên cạnh chuyện tình yêu của Koeda và Ogasawara, phim còn đề cập đến nhiều vấn đề trong ngành giải trí, về những bản chất, sự thật đằng sau ánh hào quang không hào nhoáng như mọi người vẫn tưởng. 

Và tệ hại hơn. Trong khi Ogasawara Aki cố vẫy vùng để thoát khỏi vũng lầy thì Koeda Riko lại được chủ công ty giải trí để mắt tới.


Liệu Ogasawara Aki sẽ làm gì để Koeda không sa ngã như anh?


Ahihi… Không kể đâu, muốn biết thì xem phim đi nha!

Mình coi phim này là vì anh nam chính đẹp trai đóng trong phim “Lãng khách”, coi xong nghiền luôn bởi không chỉ cảnh đẹp, full HD, bối cảnh có đầu tư mà nhạc còn hay số dách nữa. Ai muốn tìm hiểu phim Nhật hay thường xem phim Nhật thì không thể bỏ qua phim này rồi.  


Dù có nhiều cảnh nếu đưa lên phim Hàn Quốc hẳn sẽ tức ói máu nhưng phong cách phim Nhật là đàm thắm, nhẹ nhàng nên khi coi đỡ đau tim hơn, đỡ chửi rủa mấy nhân vật phản diện trong phim hơn, mà hình như nhận vật phản diện phim này cũng không hẳn phản diện. :v Thói đời mà!


Cố gắng không spoil nhiều rồi đó nên yên tâm mà coi đi. Bye! 


Chân Nguyên


21 tháng 12 2016

Trạm dừng "Totto-chan bên cửa sổ" - Kuroyanagi Tetsuko


Vừa vào lớp một được vài ngày, Totto-chan đã bị đuổi học!!!

Cái quái gì!

Không, quả thật là như vậy đấy.

Cô bé Totto-chan rốt cuộc đã làm loạn gì trong trường mà lại bị đuổi học?

Bạn tôi à, nếu bạn đang lớn hoặc đã lớn (cái lớn mà đủ để tấp nập với bộn bề bài vở và công việc ấy), và một hôm bạn bỗng không muốn lớn nữa, Totto-chan bên cửa sổ luôn sẵn sàng đón bạn quay trở về cái thời bé tí tuổi đầu đầy ngô nghê và vô ưu.

Mình thì đọc Totto-chan chỉ vì muốn biết cô bé liệu sau này có trở thành Einsten không vì nhà bác học thiên tài cũng đã bị đuổi học khi mới học lớp một được sáu tháng. Và thật tuyệt vời như mình mong đợi, cô bé ấy sau này đã trở thành tác giả của cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ đầy tính giáo dục trở thành sách gối đầu của bao thế hệ trẻ em từ khi phát hành.

Câu chuyện bắt đầu với những lí giải về việc Totto-chan bị đuổi học. Đó đơn giản chỉ vì cô bé không ngoan như các bạn cùng lớp, không giữ im lặng vì hay luôn miệng những câu hỏi ngây ngô mà cô giáo cho là ngớ ngẩn. Cuối cùng mẹ phải chuyển Totto-chan sang học trường Tomoe - một trường hầu hết là trẻ khuyết tật. Trường Tomoe thật là ngộ: lớp học là những toa xe lửa cũ, lớp nào cũng chỉ có khoảng mười bạn, vào tiết học thì các bạn muốn ngồi đâu cũng được, và học môn nào yêu thích trước cũng được. Lần đầu tiên Totto-chan thích trường học đến vậy, và ngoài mẹ ra, Totto-chan thích nhất Thầy Kobayashi hiệu trưởng trường Tomoe vì thầy đối xử với Totto-chan như người lớn vậy, thầy nghiêm túc lắng nghe cô bé, để cô bé chịu trách nhiệm với tất cả hành động của mình, không la rầy, không ngăn cấm.

Càng đọc, bạn sẽ thấy hình ảnh thầy hiệu trưởng Kobayashi trong từng câu chữ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko luôn đầy quí mến và kính trọng. Tác giả dành hẳn những chương cuối cùng để kể về thầy như một món quà đầy nâng niu và cũng là lời xin lỗi của tác giả xen lẫn chút tiếc nuối vì một lời hứa không thành. Đối với tác giả, thầy Kobayashi là một tượng đài giáo dục, một người tận tụy vì học sinh, vì trường Tomoe, không ngừng tìm tòi muôn vàn những phương pháp dạy học tiến bộ nhất. Những tính cách đáng quí ấy của người làm giáo dục càng rõ nét hơn qua lối giáo dục đặc biệt vô cùng của thầy.

Thầy đối với từng học sinh đều là thật quan tâm, lại còn rất tâm lí như cho các bạn bơi mà không mặc gì trên người, luôn nói ba mẹ cho các bạn mặc những bộ quần áo xấu xí nhất đến trường hay chuẩn bị cho các bạn “món của núi và món của biển”,…

Nghe thật là ngộ phải không nào. Nhưng đó lại là những phương pháp giáo dục rất ư hiệu quả. Khi đọc tới những giải thích của thầy cho những việc đó, bạn phải trầm trồ xuýt xoa sao mà lại sâu sắc thế. Để rồi khi lật đến cuối truyện, bất ngờ nhận ra trường Tomoe đó là có thật, những lớp học xe điện kia là thật và thầy giáo Kobayashi đầy tận tâm cũng vậy, ta lại không khỏi tiếc nuối tại sao nền giáo dục phóng khoáng và hiện đại như vậy đến nay lại không còn.

Những năm tháng tiểu học của Totto-chan cũng chính là khoảng thời gian thế giới chuẩn bị bước vào chiến tranh thế giới thứ hai. Lâu lâu cách vài chương chuyện, tác giả Tetsuko lại đan xen những tình tiết về chiến tranh, nỗi lo lắng của ba mẹ khi chiến tranh làm tình hình kinh tế trong nhà thiếu hụt, duy chỉ có những đứa trẻ là vẫn vô tư đến trường khiến bạn đọc đôi lúc lại nơm nớp lo sợ, không khỏi xót xa. Qua đó, tác giả như muốn gửi gắm lời nhắn nhủ về sự trân trọng đối với giáo dục.
Lúc này, nhiều nơi trên thế giới bắt đầu xảy ra những chuyện kinh hoàng. Các bạn nhỏ đang nói với nhau về ruộng rau xinh xắn kia, may thay, vẫn còn được sống trong yên bình.
-Tranh của Iwasaki Chihiro minh họa cho Totto-chan bên cửa sổ-

Chuyện cũng sẽ chưa hẳn thú vị lắm nếu không nhờ cách kể chuyện của tác giả Tetsuko (cũng có thể là cách dịch của dịch giả Trương Thùy Lan) có phần "tưng tửng" và rất đỗi tự nhiên, càng khắc họa rõ thêm tính cách của cô bé Totto-chan. Cộng với những mẩu chuyện ti tí suốt những năm tháng của Totto-chan dưới mái trường Tomoe khiến bạn phải cười té ghế mà thốt lên "Trời ơi sao dễ thương quá!", lúc lại ngừng đôi dòng mà thấm thía những khía cạnh nhân văn của nó.

Một trò chơi trời ơi đất hỡi của Totto-chan mà mỗi lần nhớ lại mình đều bất giác cười ngặt nghẽo đó là trò chui qua hàng rào khi Totto-chan giải thích cho mẹ nghe vì sao váy và quần lót bị rách. Nhưng qua cách kể của cô bé thì mọi chi tiết cứ nháo nhào lên và cả mẹ cũng phải phì cười vì không hiểu nổi. Những câu thoại ngô nghê đậm đặc mùi “trẻ nít” và cách suy nghĩ cũng rất đỗi khôi hài của Totto-chan càng cho thấy tác giả có một tình yêu với trẻ thơ vô bờ bến và hẳn nhiên là có cả một tuổi thơ phải ngô nghê lắm như chỉ mãi sống trong đó mới khiến cho ta như thấy Totto-chan đang phấn khích trước mắt mình.
“Thế thì sao, con thấy chuyện đó hay à?”
“Mẹ thử mà xem? Hay cực kỳ! Nhưng con nghĩ thế nào quần lót của mẹ cũng bị rách thôi!?” 
Làm trẻ con sướng thật, mỗi chuyện nghĩ rằng kể cả người lớn cũng sẽ bị rách quần áo thôi cũng khiến bọn chúng thấy vui. Mẹ nghĩ vậy khi thấy tóc, các đầu ngón tay, thậm chí cả tai của Totto-chan đều lấm lem bùn đất.
-Tranh của Iwasaki Chihiro minh họa cho Totto-chan bên cửa sổ-

Mới tí ti tuổi đầu nhưng Totto-chan hết lần này đến lần khác gây bất ngờ cho mọi người bởi những hành động yêu thương đơn thuần giành cho mọi thứ xung quanh. Totto-chan hay thắc mắc, cũng vì thế mà hay để ý quan tâm mọi người. Cô bé đôi lúc lại rất “người lớn” như khi cố tìm lại cái ví đánh rơi xuống bể phốt, nhiều lúc làm bạn đọc phải ngỡ ngàng vì cái quyết tâm thực mạnh mẽ và lòng kiên trì ấy của một đứa nhóc mới sáu tuổi.  Và Totto-chan còn rất chan hòa khi đối xử với những người bạn khuyết tật như Yasuaki, Takahashi-kun,… hay chứa chan tình yêu thương mãnh liệt với chú chó cưng Rocky.

Những tính cách tốt đẹp ấy của Totto-chan cũng chính là hình ảnh thơ ấu của tác giả. Nhưng không phải đọc tới chương cuối cùng mới thấy điều đó, ngay ở tựa sách đã chính là một minh họa về tuổi thơ của Totto-chan. Mình thật sự cảm động về ý nghĩa của tựa sách mà tác giả đặt. Một chút lập dị xen lẫn sự khác người, tựa sách “Totto-chan bên cửa sổ” mang lại chính là cảm giác cô đơn và lạc lõng.

Totto-chan bên cửa sổ
- Kuroyanagi Tetsuko -

Cuốn sách về đứa bé với tấm lòng nhân hậu và tâm hồn ngây thơ không tì vết ấy trở thành sách gối đầu của nhiều thế hệ trẻ em ngay từ khi xuất bản. Tuy nhiên, ngoài việc truyền đạt cho các bạn nhỏ những cách đối nhân xử thế đáng quí của Totto-chan, mình nghĩ cuốn sách đầy tính nhân văn này thật sự là dành cho người lớn để hoài niệm về một tuổi thơ, để học được cách trân trọng và đối xử chân thành với những mầm non. 

- Hoàng Khiết -